Chính thức công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung: Formosa là thủ phạm

Chiều 30.6, tại buổi họp báo chuyên đề sau Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2016, nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung đã được chính thức công bố. Theo đó, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) chính là “thủ phạm”.

Trong thông cáo báo chí của mình, FHS viết: “Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) xin gửi lời chia sẻ và sự cảm thông sâu sắc đến người dân miền Trung đã bị ảnh hưởng và thiệt hại bởi sự cố ô nhiễm môi trường biển trong thời gian vừa qua. Là một doanh nghiệp nước ngoài có mặt tại Việt Nam từ năm 2008, chúng tôi ý thức được trách nhiệm tuân thủ pháp luật và trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng là vô cùng cần thiết. Vì vậy, trong thời gian qua chúng tôi đã luôn hợp tác chặt chẽ cùng Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường và tỉnh Hà Tĩnhđể điều tra nguyên nhân sự việc.

Ngày 30/06/2016, Chính phủ Việt Nam đã công bố kết luận về việc điều tra nguyên nhân về sự cố ô nhiễm môi trường gây ra hải sản và sinh vật biển chết bất thường tại các tỉnh ven biển miền Trung. Theo kết luận của Chính phủ, nhà thầu phụ của Công ty đã có những sai sót của trong quá trình vận hành thử nghiệm, dẫn đến sự cố môi trường nêu trên.

Thay mặt Công ty FHS, chúng tôi gửi lời xin lỗi đến người dân 04 tỉnh miền Trung vì sự cố đáng tiếc đã xảy ra, và xin nhận trách nhiệm về sự cố này.

Chúng tôi cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng để nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố và kiểm soát môi trường tại các tỉnh miền Trung, cụ thể như sau:

Phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam. Toàn bộ khoản boồi thường sẽ được chuyển cho cơ quan chức năng quản lý và thực hiện bồi thường thiệt hại cho người dân địa phương.

FHS sẽ phối hợp với các Bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung nhằm phòng, chống các sự cố môi trường tương tự như đã xảy ra.

Với thái độ thành khẩn và sự khẩn trương khắc phục sự cố, FHS rất mong sẽ nhận được sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam để chúng tôi có thể tiếp tục xây dựng một tổ hợp công nghiệp hiện đại nhất trong ngành thép Việt Nam.

Là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với số vốn hơn 10,5 tỷ USD, Công ty FHS khẳng định mong muốn phát triển lâu dài và bền vững tại Việt Nam, góp phần tạo cơ hội việc làm và phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để xây dựng và đưa vào vận hành một tổ hợp công nghiệp hiện đại, tiên tiến nhất tại Việt Nam, và tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng dự án này, nếu tiếp tục được đầu tư và triển khai, có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới”.

Như Lao Động đã thông tin, sự kiện cá chết trắng dọc biển miền Trung từ tháng 4.2016 không chỉ là thảm họa về môi sinh, mà còn gây hệ lụy nghiêm trọng đến hàng ngàn, hàng vạn gia đình ngư dân, những người làm nghề du lịch, cũng như thương hiệu quốc gia.

Thảm họa biển miền Trung đến quá bất ngờ. Khoảng 9h ngày 6.4, ông Chu Văn Đại, thợ lặn đang làm việc dưới biển khu vực xả thải của Nhà máy thép Formosa tại Vũng Áng phát hiện cá chết rất nhiều xung quanh miệng cống. Ông Đại cũng cảm thấy miệng đắng, người mệt mỏi và trong nước có chất độc. Cả tốp thợ lặn 15 người bạn ông đều cảm thấy nước biển có vị khác lạ, độc, người mệt nên đồng loạt xin nghỉ. Sau đó mấy ngày, người dân phát hiện rất nhiều cá chết dạt vào bờ, gồm nhiều loại cá khác nhau, có những loại thuộc tầng đáy nước sâu.

Sau đó, người dân ven biển miền Trung từ nam Hà Tĩnh trở vào lần lượt phát hiện cá chết rất nhiều dạt vào bờ. Từ ngày 10.4, nhiều ngư dân sống ven biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch - Quảng Bình) bàng hoàng phát hiện cá chết tấp vào bờ. Liên tiếp mấy ngày sau đó ngư dân vùng biển xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) và Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy)… cũng phát hiện nhiều loại cá chết bất thường nổi trên mặt nước và trôi dạt vương vãi khắp bờ biển. Đặc biệt là ngày 14.4, cá chết với số lượng lớn ước tính hàng chục tấn.

Hiện tượng cá chết tiếp tục lan vào phía nam. Từ ngày 16 - 19.4, khoảng 20km bờ biển huyện Vĩnh Linh và Gio Linh (Quảng Trị) xuất hiện cá chết hàng loạt. Ước tính mỗi ngày ngư dân vớt được 1 - 5 tấn cá. Hiện tượng cá chết ở Thừa Thiên - Huế bắt đầu từ 15 - 21.4, tại bãi biển các huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Sau đó cá chết lan vào đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô) và xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc). Từ ngày 2 - 5.5, hiện tượng cá chết bất thường trở lại ở Quảng Ngạn, Quảng Công (Quảng Điền), xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), xã Phú Thuận, Phú Hải, cửa biển Thuận An (huyện Phú Vang). Cá lồng bè nuôi trên biển cũng bị chết hàng loạt. Ngày 29.4, một số người dân ở quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) phát hiện cá chết nhiều dạt vào khu vực bờ biển Nguyễn Tất Thành, trong đó có những con to đến hơn 10kg. Tại xã đảo Tân Hiệp (còn gọi là Cù Lao Chàm, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) cũng đã xuất hiện tình trạng cá chết không rõ nguyên nhân, chủ yếu gồm các loài như cá sơn, cá kia, cá liệt, cá kẽm. Một số địa phương công bố tình trạng rạn san hô bị chết, cũng như có hiện tượng cá chết nằm dưới đáy biển.

Hiện tượng cá chết đã gây ra hàng loạt các hậu quả hết sức nghiêm trọng. Người dân lo lắng, hoang mang không sử dụng các loại hải sản dọc bờ biển các tỉnh miền Trung, hàng vạn hộ ngư dân không thể ra khơi đánh bắt hải sản, trước nguy cơ thiếu đói. Ngành du lịch biển nhiều địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí tê liệt như Hà Tĩnh,Quảng Bình, Quảng Trị… Các ngành nghề phụ trợ như buôn bán hải sản, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ… đều lâm cảnh hiu hắt. Các địa phương lân cận cũng bị ảnh hưởng như Nghệ An, Quảng Ngãi… Những giọt nước mắt đắng cay, bế tắc, tuyệt vọng của ngư dân, của doanh nghiệp, tiểu thương đã rơi trên những doi cát mặn mòi.

Sau khi sự cố cá chết, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, hệ thống chính trị các địa phương cùng khẩn trương vào cuộc, tiến hành thu gom, chôn lấp, xử lý số cá chết, hỗ trợ ngư dân, tích cực điều tra nguyên nhân thảm họa. Ngày 29.4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ TNMT khẩn trương giúp Hà Tĩnh triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của Nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở TNMT Hà Tĩnh để kiểm tra và lấy mẫu phân tích tự động nhằm kiểm soát việc xả thải của nhà máy. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định: “Không để bất cứ một tàu thuyền nào của ngư dân có hải sản mà không tiêu thụ được”. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT tổ chức ngay đường dây nóng để phối hợp với địa phương thu mua toàn bộ hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân.

Ngày 1.5, tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường, nhấn mạnh: “Dù bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật đều phải điều tra làm rõ trên cơ sở khoa học, không ai được bao che”, “xác định đến cùng thủ phạm chính là gì trên tinh thần khách quan, trung thực, thận trọng và khẩn trương”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng kích động, lôi kéo người dân tụ tập, gây rối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại về kinh tế, bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và môi trường đầu tư. Thủ tướng đồng ý cấp 4.500 tấn gạo cho ngư dân đánh bắt xa bờ với mức 15kg/người trong 1,5 tháng; miễn lãi suất 6 tháng đối với ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67.

Đồng bào cả nước chung tay hướng về miền Trung, với nhiều hành động thiết thực thăm hỏi, động viên, hỗ trợ ngư dân trong hoàn cảnh khó khăn. Nhiều địa phương đã có định hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân, chuyển hướng ngành du lịch biển.

Đến cuối tháng 6, tình hình cơ bản đã ổn định, tuy nhiên, thị trường hải sản và du lịch nhiều địa phương vẫn chưa phục hồi; hàng nghìn tàu cá của ngư dân vẫn nằm bờ, nhiều khu du lịch biển vắng tanh vắng ngắt. Tâm lý lo lắng, e ngại của người tiêu dùng vẫn còn ngự trị, đặc biệt sau sự kiện phát hiện chất phenol trong 30 tấn cá nục ở Quảng Trị. Đồng bào cả nước, ngư dân đều mong muốn Chính phủ sớm công bố nguyên nhân cá chết, giải pháp khắc phục, phục hồi môi trường cũng như trừng trị nghiêm khắc thủ phạm đã gây ra thảm họa này, và yêu cầu được bồi thường một cách thỏa đáng.